Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trung Quốc gây khó trên biển, tận thu trên bờ

Trung Quốc một mặt cấm đoán, xua đuổi ngư dân nước ta đánh bắt trên biển, mặt khác, thương nhân của họ tìm mọi cách thu gom nguyên liệu thủy hải sản ngư dân Việt Nam đánh bắt được.

Trong điều kiện nguyên liệu hải sản cạn kiệt, mùa đánh bắt lại gián đoạn, dẫn đến tình trạnh cạnh tranh nguyên liệu hải sản khốc liệt, nhiều doanh nghiệp tại “Hội nghị toàn thể hội viên hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2011” phẫn nộ trước hành động cạnh tranh thiếu công bằng từ doanh thương Trung Quốc.

Ép từ biển lên bờ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trên biển, một mặt ngư dân chịu tác động từ lệnh cấm biển của Trung Quốc, nhiều tàu thuyền không dám ra các ngư trường đánh bắt, còn những tàu đi đánh bắt về thì thương nhân Trung Quốc tìm mọi cách gom nguyên liệu ngay trên biển. Trên bờ thương nhân nước này lại tranh giành nguyên liệu với doanh nghiệp trong nước.

Việc thu mua không lành mạnh của thương nhân Trung Quốc 
đang đẩy khó cho doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc công ty cổ phần Procimex (Đà Nẵng) cho biết, để cạnh tranh nguyên liệu, doanh nghiệp trong nước phải nâng giá cao hơn mức giá phía thương nhân Trung Quốc đưa ra, vậy mà vẫn không mua đủ nguyên liệu. Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Xuân Nam, Công ty cổ phần Đại Thuận (Khánh Hòa), lượng nguyên liệu mà doanh nghiệp ông Nam thu mua được chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến.
Theo ông Nam, những người thu mua hải sản Trung Quốc  đã “chiếm lãnh địa”của doanh nghiệp trong nước từ lâu mà chưa có phản ứng mạnh mẽ cần thiết từ ngư dân, doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng với Trung Quốc, hoặc nếu có cũng quá nhẹ nhàng. “Hiện họ đến mua hàng, đặt gia công rồi chở về Trung Quốc cứ như đang ở đất Trung Quốc” ông Nam bức xúc.

Rủi ro doanh nghiệp Việt “hứng”
Các doanh nghiệp chế biến hải sản cho biết, trong khi mua nguyên liệu từ ngư dân, họ phải xuất hóa đơn và chịu thuế, thì phía thương nhân Trung Quốc mua trực tiếp từ ngoài biển hay trong bờ đều không chịu bất cứ một thứ thuế nào, do đó chỉ cần nâng giá mua cao hơn một chút là họ có thể mua bao nhiêu tùy thích. Thêm nữa, việc mua bán qua đường tiểu ngạch được thanh toán bằng Việt Nam đồng hay nhân dân tệ và không thể thống kê được giá trị mua bán cụ thể, ông Phạm Xuân Nam khẳng định, giá trị từ hình thức mua bán này rất lớn mà không thể đưa vào thống kê giá trị xuất khẩu của ngành, nó còn làm mất cân đối cán cân thương mại, tăng tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc.

Bà Sắc cho rằng, khó khăn trong việc cạnh tranh nguyên liệu, cộng với chi phí đầu vào tăng nhanh... khiến từ đầu năm đến nay, có khoảng 147 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản quay lưng với công nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, có thêm 15 thị trường mới nhưng bị mất tới 14 thị trường cũ. “Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải tìm mọi cách mua nguyên liệu bằng mọi giá để chế biến, trong điều kiện chi phí đầu vào cao ngất ngưởng mà giá xuất khẩu không tăng sẽ ẩn chưa rất nhiều rủi ro, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, bà Sắc cảnh báo.

Ông Điểm kiến nghị, vai trò quan trọng quyết định từ chính quyền các địa phương tác động tới ngư dân, đồng thời ngành nông nghiệp cần nghiên cứu chế tài áp thuế cho chính những ngư dân tham gia bán hàng cho thương lái nước ngoài. Theo bà Sắc, Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước, Việt Nam nên nghĩ tới phương án này để giữ nguồn nguyên liệu.
Giá cá tra giảm do găm hàng
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt, sau khi giá cá tra đạt đỉnh điểm lên 29.000 đồng một kg, hiện nay, giá đang giảm dần và chỉ còn 26.000 đồng. Do người nuôi găm hàng kỳ vọng giá sẽ cao hơn nữa, dẫn đến tình trạng thừa cá size lớn, thiếu cá nguyên liệu size nhỏ, đặc biệt là ở thị trường EU, nhu cầu size cá nhỏ tại thị trường này chiếm 95%, Mỹ cũng chỉ có 30% ăn size cá lớn. 

Hiện trên 70% lượng cá xuất khẩu là size từ 700 đến 850gr một con, còn size từ 900gr – 1,2kg một con chỉ chiếm 20 - 25%. Tình hình thiếu cá size nhỏ dự báo sẽ đến tháng 11 năm nay. Ông Minh khuyến cáo, nhu cầu thị trường ăn size cá lớn rất ít, người nuôi cần cân đối bán hàng, để tránh giá hạ vô lý.

Theo Đăng ThưĐất Việt
Klick vào để Đọc tiếp bài trong blog.







Thương nhân Trung Quốc thay đổi cách làm ăn tại Việt Nam



Gần đây, nhiều thương nhân Trung Quốc đã không còn là đối tác nhập hàng Việt Nam đơn thuần như trước mà họ tăng cường tham gia vào các chuỗi liên kết với các thương nhân trong nước.
 >> "Đại gia" Trung Quốc thuê đất Việt Nam trồng... khoai
 >> Trung Quốc gây khó trên biển, tận thu trên bờ



Chị Thu, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xuất khẩu trái cây ở tỉnh Bến Tre, hiếm khi có mặt ở cơ sở bao gói. Ngoài tỉnh nhà, chị hầu như luôn phải rong ruổi trên các chuyến xe đi khắp các tỉnh lân cận để tìm mua trái cây các loại, thỏa thuận thanh toán xong chị đưa hàng về cơ sở ở Bến Tre để đóng gói, rồi chở lên cảng TPHCM để lên tàu hoặc xe chuyển ra phía Bắc. Hàng được giao cho khách tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Theo chị Thu, so với sức mua của khách thì với số hàng chị giao vài chuyến xe tải một tuần chẳng thấm vào đâu. Vậy là, sau nhiều năm làm ăn giờ chị đã có vài mối hàng “ăn chắc mặc bền” ở Trung Quốc, lãi từ các chuyến hàng ra phía Bắc cũng giúp chị có thêm vốn liếng đầu tư mở rộng nhà xưởng, cơ sở chế biến khá hiện đại, có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Trường hợp của chị Thu không phải cá biệt ở các tỉnh ĐBSCL. Kết nối với mạng lưới thương lái, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là một trong những phương thức kinh doanh được thương nhân Trung Quốc áp dụng khá phổ biến hiện nay nhằm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho thị trường Trung Quốc.

Thương nhân Trung Quốc gom mua thanh long ở Bình Thuận.


Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là nông sản, thực phẩm, từ cao su, tiêu, điều, trái cây, sắn cho đến thịt heo, đường.

Tình hình xuất hàng nhộn nhịp qua biên giới trong vài tháng gần đây cũng được ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công Thương, xác nhận.

“Hàng nông sản Việt Nam chở đến biên giới bao nhiêu đều gần như được thương nhân Trung Quốc mua hết bấy nhiêu và mua với mức giá khá cao nên tình hình mua bán qua cửa khẩu khá sôi động”, ông nói.

Một điểm mới trong phương thức mua bán giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo ông Hội, là liên kết theo chuỗi và hỗ trợ lẫn nhau trong mạng lưới phân phối hàng nông sản xuất khẩu.

Cụ thể, trong hình thức hợp tác mới này, thương nhân Trung Quốc ứng trước tiền cho thương lái Việt Nam, đặt một vài mặt hàng nhất định, có cả bao tiêu sản phẩm. Đến vụ thu hoạch, phía Việt Nam chỉ cần bao gói và đưa lên xe, chở đến giao ở cửa khẩu. Nông dân Việt Nam cũng nằm trong mắt xích này, được thuê để gia công, chăm sóc, thu hoạch nông sản. Bù lại họ được đảm bảo giá mua cao.

“Nếu như trước đây các doanh nghiệp chế biến nông sản, thương nhân, thương lái thường tranh mua hàng hóa, nguyên liệu, gây ra biến động, ách tắc ở cửa khẩu, thì hiện nay việc mua bán giữa hai nước qua biên giới được cải thiện đáng kể. Thậm chí có thương nhân Việt Nam giờ đứng ra làm người đại diện cho phía Trung Quốc để đặt mua, vận chuyển hàng…”, ông nói.

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước từ cao su, tiêu, điều, gỗ nguyên liệu cho đến thịt heo, đường… được thương nhân Trung Quốc mua mạnh. Có mặt hàng họ tự đến vùng nuôi và sản xuất để đặt mua, có mặt hàng do chính thương lái trong nước mua gom rồi đưa lên xe, chở qua biên giới.

Cách thức mua bán của thương nhân Trung Quốc phổ biến là thanh toán tiền mặt, “thuận mua vừa bán” khá nhanh chóng, nên được nông dân lẫn thương lái ưa chuộng. Với cách làm này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước sẽ bị yếu thế khi họ chỉ có thể thanh toán gối đầu trong thời gian chờ khách hàng nước ngoài thanh toán đơn hàng.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hội, sự yếu thế của các doanh nghiệp chế biến trong nước còn do là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân qua việc tuân thủ các hợp đồng thương mại được ký kết. Chính điều này đã tạo cơ hội cho thương nhân Trung Quốc “chen chân” vào.

Nếu các doanh nghiệp chế biến trong nước không kịp thời có giải pháp ứng phó với tình hình này, liệu nguồn nguyên liệu nông sản có còn để các doanh nghiệp trong nước hoạt động?

Theo Thái Hằng
TBKTSG

Thương lái Trung Quốc: Trước dễ dãi, sau lật lọng!



Sau cua biển Năm Căn Cà Mau, sầu riêng Tam Bình (Tiền Giang), khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), nay thương lái Trung Quốc tiếp tục “ra chiêu” với khóm ở Tân Phước (Tiền Giang).
 >> Cảnh giác thương nhân Trung Quốc gom hàng nông sản
 >> Thương nhân Trung Quốc thay đổi cách làm ăn tại Việt Nam



Ngày 28/5, ông Tám Bé ở ấp Tân Phong (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang) kêu thương lái cân khóm với giá 2.800 đồng/kg. Hỏi ông vì sao thương lái Trung Quốc thu mua khóm đến 6.000 đồng/kg mà ông không bán, ông cười khẩy: “Mấy ông Trung Quốc ngưng mua khóm gần một tuần lễ rồi. Mà nếu mấy ổng còn mua, tui cũng không bán. Chơi với thương lái Trung Quốc nhiều thiệt thòi lắm”.

Né tay Trung Quốc

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX trồng khóm ở xã Tân Lập 2, kể: Những ngày qua có hai thương lái người Việt liên tục đến nài nỉ nông dân trong HTX bán khóm cho họ để cung cấp cho thương nhân Trung Quốc. Họ hứa mua vài chục tấn/ngày, 4.000 đồng/trái khoảng 1 kg, trái lớn giá cao hơn. Nông dân và HTX đề nghị ký kết hợp đồng mua bán cụ thể thì họ từ chối. Nông dân thấy không có gì chắc ăn nên không bán.

Nhiều chủ ruộng khóm ở xã Tân Lập 2 cho biết trước đó có một người Trung Quốc đi với phiên dịch vào tận ruộng khóm đặt vấn đề thu mua số lượng lớn. Xem xong ông này chê khóm trái quá nhỏ, đề nghị nông dân mua một loại thuốc do ông ta cung ứng, bảo đảm sau khi phun thuốc trái khóm sẽ đạt trọng lượng trên 1 kg/trái, lúc đó thương lái Trung Quốc sẽ thu mua hết.

Theo ông Thành, “nông dân xã Tân Lập 2 đang rất cảnh giác với Trung Quốc. Nông dân bán khóm có tập quán chỉ bán cho mối quen, ai khác trả giá cao cũng không bán. Nếu mình tham giá cao, mất uy tín, sau này không ai mua nữa thì mình bán cho ai?”.


Nông dân xã Tân Lập 2 (Tân Phước, Tiền Giang) chấp nhận bán khóm cho thương lái người Việt với giá 2.800 đồng/kg chứ không bán cho thương lái Trung Quốc.

Trả giá cao rồi… vọt lẹ!

Những đầu mối thu mua khóm ở huyện Tân Phước cho biết khoảng đầu tháng 5, các thương lái người Trung Quốc đặt điểm thu mua khóm suốt ngày đêm ở bãi gỗ đầu cầu Kênh Xáng thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang). Trong khi giá khóm lâu nay chỉ khoảng 3.000-3.200 đồng/kg thì thương lái Trung Quốc mua với giá 4.400 đồng/kg loại khóm 1,1 kg, 6.000 đồng/kg loại khóm 1,3 kg. Thương lái người Việt chở khóm đến, cân bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, không cò kè.

Thế nhưng sáng 28/5, chúng tôi tìm đến điểm thu mua khóm, bãi đất vắng hoe. Một người dân trong khu vực cho biết thương lái Trung Quốc đã ngưng thu mua khóm năm ngày trước.

Một đầu mối thu mua khóm ở xã Phước Lập (huyện Tân Phước) cho biết: “Hôm trước tui chở ra hơn một tấn khóm, mấy ổng gật đầu nói “hảo, hảo” lia lịa, trả tiền cái rụp. Lần thứ hai chở khóm ra, mấy ổng xua tay từ chối. Báo hại tui chở ghe khóm gần hai tấn trở về bán chợ, lỗ sở hụi”.

Sầu riêng, khoai, khóm…

Thương lái khóm có thể chở khóm về bán chợ là còn may mắn hơn nhiều thương lái khoai lang ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long.

Ông D., một đầu mối cung cấp khoai lang cho thương nhân Trung Quốc ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân đang kẹt gần 1 tỉ đồng nợ chưa đòi được. Ông kể: “Làm ăn giao dịch lâu nay chủ yếu qua điện thoại và lòng tin, chẳng có hợp đồng mua bán. Gần đây thì họ biến mất khiến hàng chục thương lái ở Bình Tân tá hỏa vì không biết tìm họ ở đâu để đòi nợ”.

Theo các đầu mối, số “nợ khó đòi” đã gần 10 tỉ đồng. Ông T., một chủ vựa khoai ở huyện Bình Tân, ngao ngán kể: “Ban đầu họ mua giá cao, trả tiền sòng phẳng. Lâu ngày họ trở mặt, chê khoai kém chất lượng, trả giá thấp, không bán thì chở khoai về, đành phải bấm bụng bán nhưng phải gối đầu (giao hàng đợt sau mới thu được tiền đợt trước)”.

Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân), cho biết thương nhân Trung Quốc đẩy giá khoai tím đến 1 triệu đồng/tạ khiến nhà nhà đua nhau trồng khoai. Diện tích khoai của xã tăng hơn 1.700 ha. Sau đó giá khoai rớt xuống dưới 200.000 đồng/tạ, nhà nông vẫn phải bán vì không thể neo khoai quá lứa trên ruộng. Hàng ngàn hộ dân lỗ từ 80 triệu đồng/ha (đất nhà) đến hơn 100 triệu đồng/ha (đất thuê).

Huyện sẽ xem xét…

Không thể ngăn cấm thương nhân Trung Quốc thu mua khóm hoặc mở điểm thu mua tại địa phương. Huyện sẽ xem xét kỹ vấn đề hợp đồng mua bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước

Ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, không chỉ riêng nông sản mà các lĩnh vực thủy sản như cua, lâm sản như gỗ sưa, cây ngâu… cũng bị.

Các cơ quan nông nghiệp cũng chỉ làm được đến mức khuyến cáo, thông báo cho nông dân cảnh giác. Việc kiểm tra thương lái, mua bán giao dịch như thế nào thì cần Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh kiểm tra, rà soát mới có kết quả giúp được người nông dân.

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến Nông
Lâm Thủy sản và Nghề muối: Tìm hiểu kỹ đối tác

Giao thương mua bán với người Trung Quốc là chuyện bình thường. Điều không bình thường là nhà nông và thương lái ViệtNam vì quá cả tin nên khi giao dịch mua bán không chịu làm hợp đồng rõ ràng cụ thể, không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, địa chỉ của đối tác phía Trung Quốc, cuối cùng gánh chịu nhiều thiệt hại.

TS Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang

Hợp đồng cũng chẳng ăn thua

Có nhiều ý kiến cho rằng nông dân cần làm hợp đồng mua bán, ký kết rõ ràng với thương lái Trung Quốc thì sẽ đảm bảo.

Tôi cho rằng giải pháp này không hiệu quả. Tập quán của nông xưa nay là thỏa thuận miệng, “tiền trao cháo múc”. Dẫu có khuyến cáo, đưa hợp đồng đến tận tay thì chưa chắc nông dân chịu ký.

Chỉ có cách là chính quyền địa phương vào cuộc, kiểm tra chặt những thương lái Trung Quốc mua nông sản tại địa phương. Điều tra nguồn gốc các thương lái rõ ràng mới cho thu mua.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Làm trực tiếp với doanh nghiệp

Sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện quá phụ thuộc vào thương lái. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thương lái thao túng thị trường, ép giá. Thương lái đổ nợ thì nông dân vạ lây.

Chỉ có cách doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, nông dân có đất, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cử nhân viên hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch, doanh nghiệp phải trả công cho nông dân. Hình thức khác là nông dân tự lo, tự trồng nhưng có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đàng hoàng, đảm bảo doanh nghiệp thu mua xứng đáng.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

Theo Hùng Anh – Quang Huy
Pháp Luật TPHCM

Người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh. Hết biết!


Tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà), vùng nuôi cá mú được xem là lớn nhất Việt Nam, người Trung Quốc không chỉ thu mua mà còn sử dụng mặt nước vịnh để nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú.

Điều đáng nói là tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng này diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền tỏ ra lúng túng.

Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành.

Bè cá Trung Quốc hoành tráng

Hầu như mọi ngư dân và người buôn bán nào ở gần cảng Cam Ranh đều biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm của người Trung Quốc. Ông Đạt, một chủ đìa tại đây nói đìa nuôi tôm hùm của A Xìu nằm cạnh cảng Cam Ranh, còn phía ngoài vịnh cách đó chừng 200m là lồng bè nuôi cá mú của những người Trung Quốc khác. Mỗi lồng bè nuôi cá, tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng.

Từ xa có thể thấy khu trại nuôi cá của A Xìu gồm những khu nhà kiên cố, có cả hàng rào, cổng cao khác hẳn với những khu trại tạm bợ của người Việt bên cạnh. Tuy nhiên, khi đến gần thì khu trại này đóng cửa.

Lên một chiếc tàu, chúng tôi rời cảng tiếp tục đến bè nuôi của người Trung Quốc phía ngoài vịnh. Bè này nằm cách cảng Cam Ranh chừng vài trăm mét và có thể thấy rõ quân cảng Cam Ranh ở phía bên kia bờ vịnh. Từ xa, bè của những người Trung Quốc nổi bật giữa biển bởi sự hoành tráng so với những chiếc bè nhỏ của người Việt gần đó. Các bè này cũng giống như trại nuôi cá của A Xìu: không bảng hiệu, được gắn với nhau, mỗi bè có nhiều lồng, trên bè có đến ba ngôi nhà lợp tôn kiên cố với tổng diện tích khoảng 100m2. Huy, một người địa phương làm công tại một bè cá của người Trung Quốc ở đây cho biết, ở bè này có sáu người Trung Quốc làm việc với gần 100 lồng. Ngoài ra họ còn thu mua cá mú khắp nơi nhưng nhiều nhất là tại Cam Ranh, Phú Yên và đảo Phú Quý.

“Người Trung Quốc ở đây ai cũng có thể nói được tiếng Việt, bởi họ qua đây đã sáu, bảy năm rồi. Người Trung Quốc cân cá, mua cá, xuất bán cá... còn em chỉ lo chăm sóc cá thôi. Mỗi năm có hàng ngàn tấn cá được xuất đi, khi nào đủ số lượng thì sẽ có tàu của Trung Quốc cập bè đưa cá về bên đó”, Huy nói.

Ông Đào Văn Hoà, chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh cho rằng vịnh Cam Ranh có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đặc biệt đối với vùng biển của đất nước. Vịnh Cam Ranh đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, kinh tế. Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng vịnh Cam Ranh của Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng xác định quá trình phát triển kinh tế ở vịnh này phải vừa bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, ổn định đồng thời kết hợp hài hoà với quốc phòng.

Chúng tôi quan sát thấy xung quanh bè thấy có chừng ba, bốn chiếc tàu cá mang biển số Khánh Hoà, Bình Thuận đang chở cá đến để bán cho người Trung Quốc. Trên bè các bảng thông báo, thẻ đánh số đều được ghi bằng tiếng Trung. Tại một góc khác của bè, hai người đàn ông Trung Quốc tự xưng là A Ngán và A Keng vừa hút thuốc lào vừa quan sát những người Việt làm việc. A Ngán cho hay quê ở Quảng Châu, chuyên mua và nuôi cá mú. Cá mú đen thu mua về rồi nuôi tiếp, đến khi cá nặng chừng 1kg mới bán; cá mú nghệ nặng 10kg thì bán, có thể đóng thùng đi đường bộ hoặc tàu từ Trung Quốc qua thu mua tại bè. “Chúng tôi ở đây đã lâu, có người lấy vợ Việt Nam và tách ra làm riêng rồi”, A Ngán khoe.

Theo ông Hoàng Gia Ánh, chủ tịch hội nông dân phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, giá cá mú đen thương phẩm loại 1kg tại Cam Ranh hiện bán 200.000 đồng/kg, cá mú nghệ 250.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc tại các bè trên đang thu mua loại cá mú nhỏ 0,5 – 0,6kg với giá bằng 1/2 giá cá thương phẩm. “Họ thu mua cá nhỏ sau đó nuôi thêm rồi xuất khẩu, bởi làm như vậy lời hơn so với mua cá lớn rồi xuất ngay”.

Những người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh.

“Họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”

Theo ông Nguyễn Thành Long, đội phó đội Quản lý thị trường số 3, tại Cam Ranh đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên; phường Cam Phúc Bắc có hai cơ sở, phường Cam Phú có một cơ sở. Riêng tại phường Cam Linh có hai cơ sở, trong đó cơ sở nuôi bè trên biển của công ty TNHH Song Phong. Song, ông Trần Tính, phó chủ tịch UBND phường Cam Linh cho rằng trên địa bàn chỉ có một cơ sở thu mua hải sản với khoảng 5 – 7 người Trung Quốc hoạt động, đứng tên kinh doanh là công ty TNHH Khải Hoàn của người Việt Nam. “Cơ sở này thuê đất trên bờ của người Việt, còn lồng bè trên biển thì họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”, ông Tính nói.

Ông Tính cho biết thêm ở khu vực lồng bè có người Trung Quốc hoạt động, hiện nhiều lực lượng đang quản lý: trạm kiểm soát của đồn Biên phòng cửa khẩu, đồn Biên phòng 384, công an… Rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng ông Tính phân bua: “Quá nhiều lực lượng song chúng ta đang lúng túng trong phân cấp xử lý vấn đề người nước ngoài. Qua các buổi giao ban chúng tôi đều có ý kiến về việc này, bản thân tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm”.

Cũng theo ông Tính, mỗi lần có mưa bão, phường ra di dời những người trên lồng bè vào bờ để tránh nguy hiểm, nhưng gặp khó khăn khi muốn đưa người Trung Quốc vào bờ. “Phần vì chúng tôi nói thì họ không hiểu, phần vì họ nghe dự báo thời tiết từ đài của họ nên họ không chịu di dời. Thực sự chúng tôi không biết họ có bao nhiêu người ở trên những bè đó”, ông Tính nói.

Phó chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh Nguyễn Ngọc Sơn, thừa nhận trên địa bàn có một số người nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản. “Tuy nhiên, trên thực tế đến nay chưa có doanh nghiệp hay người nước ngoài nào xin phép nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Cam Ranh... Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.

BÀI VÀ ẢNH: LÊ ANH

Thương lái Trung Quốc khuấy động vùng trồng khóm

Thương lái Trung Quốc thông qua thương lái các địa phương đã điều khiển giá thu mua khóm (dứa) tại các vùng chuyên canh khóm huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang), Tân Phước (Tiền Giang), Vị Thanh (Hậu Giang) khiến giá mặt hàng này nhích lên được khoảng một tuần. Tuy nhiên, hoạt động mua bán khóm sôi động chỉ được một thời gian ngắn, sau đó rơi vào yên ắng. Hiện giá khóm loại 1 (từ 1,2kg trở lên) từ 3.800 – 4.000 đồng/kg.

Ông Vu Suổi, chủ nhiệm HTX Thạnh Thắng (Hậu Giang) cho biết, thương lái Trung Quốc chỉ mua khóm loại 1, khóm hơi xanh chứ không mua khóm chín, khóm trái nhỏ. Tại Hậu Giang, các lái Trung Quốc chỉ tuyển lựa, thu mua thời gian ngắn rồi chuyển khóm về Trung Quốc bằng xe đông lạnh. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, không thấy thương lái Trung Quốc xuất hiện trở lại trên địa bàn. Chính vì vậy, nhiều thương lái Việt Nam và nông dân khóc ròng.

NGỌC TÙNG

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

10 món 'tuyệt đỉnh' từ vịt, nhớ đừng bỏ qua nha.

(Zing) - Trong số phát sóng thứ 3 của Iron Chef phiên bản Việt, hai đầu bếp đã khiến người xem không khỏi trầm trồ và thèm thuồng khi chế biến ra tới 10 món khác nhau từ thịt vịt.



 
 

Ở cuộc đọ sức giữa siêu đầu bếp Yi Zhu Da và kẻ thách đấu Ngụy Tiểu Bình, phát sóng vào 11h ngày 20/5 trên VTV3, Iron Chef đã đưa độc giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác để rồi sững sờ trước cách tạo hình độc lạ của 10 món ngon từ thịt vịt.

Nếu là người mê nấu ăn, hẳn không ít khán giả sẽ hơi phật lòng khi tên nguyên liệu bí mật được BGK xướng lên là thịt vịt. Có lẽ ai cũng dễ nhận thấy dù quen thuộc, cổ điển song vịt lại là món thịt không được đánh giá cao. Bên cạnh đó, với các hạn chế về loại thịt, mùi vị đặc trưng, rất khó để không có sự trùng lặp về các thức chế biến, phối mùi, vị. Nhất là trong khung thời gian khá gấp - 1 giờ đồng hồ.

Hai đầu bếp cũng khiến khán giả tò mò khi mang ra những "phụ kiện" lạ lùng dùng để trang trí cho món ăn: những chiếc ly vốn dùng đựng kem, một mâm đá lạnh đập nhỏ, hay những quả dưa hấu, củ cải. Cuối cùng, qua bàn tay khéo léo, những đồ vật, phụ liệu này đã góp phần đắc lực, khiến món ăn trở nên bắt mắt và nghệ thuật hơn.

Cứ thế hơn 40 phút của chương trình trôi qua với đam mê, mồ hôi, sáng tạo và cuối cùng là những món ăn ngon nhất, đẹp nhất được bày lên trước mắt BGK. Những món ăn mà từ cái tên hay tạo hình đều khiến mọi người hài lòng: gỏi vịt ướp chanh, vịt mù tạt ngũ vị, bánh bí ngô nhân vịt, salad vịt sốt rượu vang, thịt vịt gói sà lách...

Thành phần BGK trong số này ngoài hai giám khảo cố định gồm Dương Huy Khải và Phan Tôn Tịnh Hải còn có khách mời Martin Yan (Yan Can Cook). Với nhiều năm kinh nghiệm trong ẩm thực cao cấp, cả 3 vị đã có những nhận xét rất chính xác và công tâm với 10 món ăn. Nhận được nhiều lời khen hơn, Yu Zhi Da đã thành người chiến thắng, với số điểm sít sao 50,5 so với 45,5 của đối thủ Ngụy Tiểu Bình.

Cùng ngắm 10 món ăn ngon tuyệt đỉnh từ vịt.

5 món từ kẻ thách đấu Ngụy Tiểu Bình:

Với cách kết hợp lạ giữa chanh cũng như việc trình bày trên đá lạnh, món vịt nấu chanh được BGK đánh giá cao về việc át chế mùi đặc trưng cũng như độ mềm, giòn của thịt vịt.
 
Vịt ngũ vị tuy được chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải đánh giá cao về màu sắc, song do nấu kỹ cùng việc kết hợp với hàng loạt các nguyên liệu có vị béo như phô mai, trứng cá khiến món ăn bị dư vị. 
 Sự kết hợp khéo léo giữa thịt vịt, bột, bí ngô tạo nên một dư vị lạ cho món bánh bí ngô thịt vịt. Song song với điều đó, việc chủ đích chế biến món bánh trong thời gian khá ngắn cũng mang thêm điểm về cho kẻ thách đấu.
Lửa không đủ nóng để nướng, phải thêm công đoạn chiên bằng đèn khò khiến món thịt vịt nướng mật ong bị khô, dai và hơi bị cháy đường.
Vị cay đặc trưng của món vịt hầm vỉ Tứ Xuyên hoàn toàn chinh phục Martin Yan.

 5 món của siêu đầu bếp:

"Về màu sắc, mùi vị đều không chê vào đâu được, song nếu có thêm một ít nước sốt để dung hòa thì món ăn sẽ càng tuyệt hơn", Martin Yan nhận xét về món salad vịt sốt rượu vang đỏ.
"Tôi không ấn tượng về việc trang trí, còn hương vị hơi bị đậm một chút", chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải nhận định về món thịt vịt gói xà lách.
"Món ăn này của anh khá cao cấp, độ chua vừa phải, độ cay vừa phải, tôi rất hài lòng" - vị giám khảo thứ ba của chương trình phân tích về món súp vịt xé chanh dây chua ngọt.
Vịt xào sốt chua đen được đánh giá cao về độ đẹp mắt và tinh tế.
Trong 10 món giới thiệu hôm nay, vịt đốt lửa hồng là món ăn duy nhất lấy cảm hứng từ món ăn Việt. Không chỉ có vậy, đây cũng là món ăn duy nhất có mặt loại gia vị cực quen thuộc với người ẩm thực Việt - nước mắm.

HUỲNH HẰNG

Theo Infornet

Quá giỏi " đầu bếp VN "

(Zing) - Vị bếp trưởng nổi tiếng trong show truyền hình "Vua đầu bếp" phiên bản Mỹ, Gordon Ramsay, đã phải lấy hết can đảm mới dám nuốt quả tim rắn còn đang phập phồng vào bụng.


Gordon Ramsay là một đầu bếp nổi tiếng của nước Anh, người đã được Nữ Hoàng Anh phong tước hiệp sĩ và là người Scotland đầu tiên nhận 3 ngôi sao Michelin. Đến nay, Ramsay đang nắm trong tay 12 trong tổng số 13 ngôi sao Michelin được thưởng, và sở hữu hàng chục nhà hàng sang trọng, uy tín trên khắp thế giới. Gordon Ramsay cũng nổi tiếng với nhiều chương trình truyền hình đang ăn khách như MasterChef, Hell’s Kitchen, The F Word...

Gordon Ramsay trầm ngâm khi cầm ly rượu rắn trên tay

Và nhăn mặt sau khi uống xong

Gordon Ramsay còn có một show truyền hình dài tập mang tên Gordon's Great Sscape, nói về những trải nghiệm tuyệt vời của ông trên hành trình khám phá ẩm thực của các nước trên thế giới. Trong tập phim du hành tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông vua đầu bếp đã được thưởng thức rất nhiều món ăn độc lạ, trong đó có các món ăn về rắn.

Trước khi thưởng thức món khai vị rượu tim rắn, Gordon Ramsay đã tận mắt chứng kiến cảnh người ta lấy tim con rắn như thế nào và ông thể hiện rõ vẻ hoảng sợ. Khi người đi cùng hỏi: "Ông có ổn không?", Ramsay trả lời: "Tôi ổn. Giờ thì không thể rút lui được nữa rồi". Đến lúc chuẩn bị nếm món rượu tim rắn, gương mặt của Ramsay gần như biến sắc hoàn toàn. Những người bạn ngồi cùng bàn đã phải cổ vũ ông nhiệt tình, thậm chí còn khích lệ rằng món này rất tốt cho "chuyện ấy" (Nhất dạ ngũ giao) thì vị bếp trưởng tài ba mới dám nhắm mắt nuốt trọn quả tim rắn còn đang phập phồng vào bụng. Và tất nhiên, ông thẳng thừng từ chối khi được mời thêm ly thứ 2.

Món xương rắn này khiến ông vua đầu bếp không khỏi ngạc nhiên

Sau đó, Gordon Ramsay còn được thưởng thức rất nhiều món rắn như da rắn xào, nội tạng rắn, và cả bộ da rắn nướng khô. Ông rất ngạc nhiên với món ăn này, thậm chí còn nhận xét bộ xương trông cứ như vừa lôi ra từ viện bảo tàng.

HÀ THU

Theo Infonet.vn

Món này ít ai nuốt trôi.l



Bánh Sultan gắn lá vàng 24 carat, bánh hoa quả nạm kim cương... là những món tráng miệng siêu đắt khiến người ta phải "mắc nghẹn".

10. Bánh Noka Chocolate, Vintage Collection trị giá 854 USD cho mỗi pound

Có lẽ đây sẽ là món tráng miệng đơn giản nhất trong danh sách, bộ sưu tập Vintage được cung cấp bởi Noka Chooclate. chocolate được bán bởi công ty này nổi tiếng là ngon và tốt nhất trên toàn thế giới.  

Noka sử dụng tất cả các loại khác nhau của ca cao từ những nơi như Ecuador, Venezuela, Cote d"Ivoire, và Trinidad. chocolate được cung cấp trong bộ sưu tập Vintage rất đa dạng. Mỗi hộp được đóng gói trong các thiết kế cổ điển của Noka.

9. Bánh vàng sang trọng Sundae có giá 1.000 USD  

Sundae được tạo ra để kỷ niệm 50 năm thành lập cửa hàng Serendipity. Sundae được thực hiện với 5 muỗng kem Tahitian Vanilla trộn với vani Madagascar và chocolate Chuao Venezuela và bên trên được trang trí bằng một chiếc lá vàng ăn được 23K.Ngoài ra bạn còn thưởng thức nó với một muỗng vàng 18K đựng trong một chiếc cốc Harcourt trong suốt.

8. Bánh Extraordinaire Brownie trị giá gần 1.000 USD  

Extraordinaire Brownie được bán ở Brule, một nhà hàng ở Tropicana Resort nằm ở thành phố Atlantic, New Jersey (Mỹ). Nó được làm bằng chocolate đen được sau đó được phủ các hazelnuts Ý và phục vụ với một muỗng kem. Cùng với các món tráng miệng ngọt ngào, khách hàng cũng được thưởng thức cùng rượu rất hiếm và rất đắt tiền, Quinta Novel Nicional, từ Bồ Đào Nha.

7. Bánh vàng của Sultan trị giá 1.000 USD  

Nếu bạn đã từng muốn thử một viên gạch vàng có thể ăn được, món tráng miệng này là chắc chắn dành cho bạn. Nó có tại khách sạn Kempinski Ciragan Palace nằm ở Istanbul. Bánh được làm bằng quả lê, mơ và mộc qua, sau đó được ngâm trong rượu Rum Jamaica và ngâm trong hai năm. Để kết thúc, bánh được phủ vanilla, caramel, nấm cục đen, và một lá vàng 24 carat.

Để làm nó phải mất khoảng 72 giờ. Tuy nhiên, bánh được thường chỉ được thực hiện theo yêu cầu: thường là cho một đám cưới, lễ kỷ niệm.

6. Bánh Macaroons Haute Couture trị giá 7.414 USD  

Bánh hạnh nhân không quá khó để tìm thấy ở Pháp vì chúng rất phổ biến, và bạn có thể tìm thấy chúng với một mức giá hợp lý cho món tráng miệng ngon như vậy. Tuy nhiên, đầu bếp bánh ngọt Pháp, Pierre Herme Herme đã sáng tạo ra nó với một công thức đặc biệt.

5. Bánh Fortress Stilt Fisherman Indulgence trị giá 14.500 USD  

Món Fortress Stilt Fisherman Indulgence là sản phẩm của cửa hàng Wine 3 (Srilanka). Món ăn này chỉ phục vụ khi có yêu cầu đặc biệt của khách hàng. Nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh này bao gồm kem hạnh nhân trộn vàng lá Ý, kem tươi Ireland, xoài, mứt quả và sâm banh Sabayon.

Bên trên món tráng miệng này là một miếng chocolate nặn hình ngư dân. Còn bên dưới được trang trí viên ngọc màu xanh nước biển 80 carat. Món ăn được phục vụ với một cốc xoài ép và hạt lựu. Món ăn xa xỉ này còn tượng trưng cho thú vui câu cá của người Sri Lanka.

4. Bánh Haute chocolate trị giá 25.000 USD

Nhà hàng Serendipity 3 (New York) đã đưa ra món Frozen Haute Chocolate với giá 25.000 USD. Món chocolate độc đáo này được là sự pha trộn của 28 loại bột coca từ hơn 14 quốc gia, 5 gam vàng 24 carat xay nhuyễn. Bên cạnh đó, bánh Frrrozen Haute còn được phủ một lớp kem trứng hảo hạng và nấm truýp La Madeline.  

Haute Chocolate được đựng trong một chiếc ly đế nạm vàng. Khách tới nhà hàng sẽ dùng một chiếc thìa nhỏ nạm kim cương để thưởng thức món ăn đặc biệt này. Trong năm 2007, món ăn này đã được ghi vào kỉ lục Guinness của thế giới nhưng bây giờ nó đã bị vượt qua.

3. Bánh bạch kim trị giá 130.000 USD

Đây là món bánh mà đầu bếp người Nhật Nobue Ikara sáng tạo dành cho một bữa tiệc cưới. Được trang trí với lớp kem trắng cùng với dây chuyền bạch kim, mặt dây chuyền, các vật cài để trang trí thêm bắt mắt cùng những mảnh bạch kim ăn được.

Ikara sáng tạo chiếc bánh này dành tặng những người phụ nữ nổi tiếng ở Nhật Bản và hy vọng có thể khuyến khích mọi người đeo trang sức bằng kim cương nhiều hơn. Chiếc bánh này đã được công ty Platinum Guild International đưa ra trưng bày năm 2007.

2. Dâu tây Arnaud trị giá 1.400 triệu USD

Đây là món tráng miệng với dâu tây hảo hạng được bán tại nhà hàng Arnaud’s ở New Orleans (Mỹ). Mức giá cao ngất của món ăn này không chỉ bởi những quả dâu tây hảo hạng được tẩm ướp cẩn thận mà còn vì chúng được trang trí với một chiếc nhẫn kim cương hồng 4,7 carat.  

Chiếc nhẫn này từng thuộc sở hữu của cố vấn tài chính hoàng gia Anh, Ernest Cassel. Bên cạnh đó, món ăn này còn được phục vụ trong một không gian trang hoàng hết sức xa hoa cùng với những chai rượu vạng hảo hạng nhất Charles X crystal có giá 25.000 USD.

1. Món bánh hoa quả nạm kim cương trị giá 1.650 triệu USD

Được sáng tạo bởi đầu bếp người Nhật Jeong Hong-yong. Để làm món bánh này, người ta phải dành 6 tháng để thiết kế và nguyên một tháng để hiện thực hóa ý tưởng này.  

Đây là món tráng miệng đắt nhất trên thế giới với 223 viên kim cương nhỏ trang trí trên bề mặt. Ngoài kim cương, tất cả những nguyên liệu làm nên chiếc bánh này đều không được tiết lộ. Chiếc bánh hoa quả này được hoàn thành năm 2005, và được trưng bày tại một triển lãm có tên "Diamonds: Nature"s Miracle" tại cửa hàngTakashimaya (Nhật). 

Theo Tienphong

Con gì đây trời, ai biết giơ tay lên

Nhà hàng Seoul Garden ở HàNội.

Chả rươi khiến du khách nước ngoài sửng sốt. "rợn tóc gáy"


Lầm tưởng rươi là giun, thế nên khi chứng kiến món ăn được chế biến từ hàng nghìn con "giun" lúc nhúc, ngoe nguẩy, nhiều người nước ngoài không khỏi che mắt kinh hãi.


Trên trang Youtube, một clip có tên Chế biến giun ở Hà Nội theo kiểu Việt Nam (Cooking worms in HaNoi Vietnam recipe) do một thành viên nước ngoài đăng tải đã thu hút đến gần 500.000 lượt xem.

Clip được thành viên này quay tại một gia đình ở Hà Nội nhân một chuyến đi đến Việt Nam. Nội dung chính của clip ghi lại cảnh chế biến một món ăn truyền thống với nguyên liệu chính là những con vật được người quay phim gọi là “giun”. Kỳ thực, đó là rươi (loài vật thuộc họ giun nhiều tơ, sống ở vùng cửa sông), một thực phẩm được sử dụng khá phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Clip đã ghi lại gần như đầy đủ các công đoạn chế biến món chả rươi, từ lúc rươi được mua về ở chợ cho đến khi món ăn hoàn thành và được bày ra bàn. Đoạn cuối clip là cảnh những người nước ngoài nếm thử và khen ngợi món ăn này.

Tuy nhiên, đối với những người nước ngoài thì đoạn ấn tượng nhất trong clip là hình ảnh hàng nghìn con giun lúc nhúc, bầy nhầy, ngoe nguẩy, được quay cận cảnh trong chiếc bát lúc sắp đem ra chế biến. Những hình ảnh này đã khiến rất nhiều người bày tỏ sự hãi hùng với món chả rươi nổi tiếng của Hà Nội.

Thành viên nick John Johnyification nhận xét: “Gớm quá. Sao họ có thể ăn một thứ như vậy cơ chứ?. Khi hoàn thành trông chúng cũng có vẻ khá ngon. Nhưng cứ hình dung đến những con giun lúc đầu thì… Tôi xin ngả mũ kính chào những con người phi thường nào có thể ăn được món ăn này!”. 

Tuy vậy, nhiều người cũng bày tỏ sự tin tưởng vào nghệ thuật ẩm thực của người Việt. “Người Việt Nam nổi tiếng với những món ăn quái dị. Khi chế biến trông chúng có vẻ thật ghê rợn, nhưng khi dọn ra bàn thì bảo đảm bạn sẽ bị hương vị của chúng thuyết phục”, thành viên Honey179 phát biểu.

Một thành viên có nick Modology phê phán sự thành kiến mà nhiều người dành cho các món ăn Việt Nam: “Thật tình, tại sao tất cả những người phương Tây chúng ta không thể nhìn về về thế giới bên ngoài với cái nhìn công bằng hơn? Tôi thấy thật thất vọng khi các bạn không bao giờ biết thể hiện sự tôn trọng đối với các nền văn hóa có nhiều dị biệt với mình. Nếu bạn cho rằng người Pháp đúng khi ăn ốc sên, thì tại sao lại không thể chấp nhận việc người ở một đất nước nào đó ăn giun? Hãy suy nghĩ lại nhé!”.

Trong khi đó, thành viên nick Takadi thì giái thích với mọi người rằng, những con vật được chế biến trong clip không phải là giun: “Thực sự thì chúng gần với một dạng sinh vật biển hơn là giun đất. Hương vị của chúng không khác mấy món sò biển mà chúng ta thường ăn”.

Theo Đất Việt

Khách Tây ngạc nhiên trước món 'gà chổng mông' của HN "Xem đi bà con, rất lạ"


Nhiều du khách nước ngoài khi thăm thú phố phường Hà Nội không ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh tượng kỳ lạ tại một số quán ăn: hàng dãy những lon nước ngọt chứa những chú gà chổng ngược chân và... phao câu lên trời.


Đây chính là hình ảnh của một món ăn quen thuộc với người dân Hà Nội: gà tần thuốc Bắc.

"Những chú gà trong lon coca? Nghe thật lạ phải không? Nhưng ở Hà Nội không gì là không thể. Ở đây người ta phục vụ những chú gà nhồi chặt trong lon với nhiều loại thảo dược khác nhau. Món ăn này gọi là 'gà tần', một món khá phổ biến và nổi tiếng ở Hà Nội. Tôi thật sự thích món này ", một du khách có nick Khansan trên trang Flickr bình luận.

Nhiều du khách đã không bỏ lỡ dịp may để ghi lại hình ảnh ngộ nghĩnh của những chú gà "chổng mông" trên đường phố Hà Nội. Dưới đây là một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng.

Nhìn thoáng qua, quán ăn này dường như không có gì đặc biệt.
Nhưng nhìn gần hơn, nhiều du khách sẽ giật mình.
Đó là hàng dãy lon nước ngọt chứa những chú gà chổng ngược chân và... phao câu lên trời.
Đây là một cách tận dụng vỏ lon bỏ đi một cách hiệu quả.
Gà tần mang nhãn hiệu... bia Hà Nội.
Những chú gà trồng cây chuối trên phố Hàng Than.
Gà tần thường có hai loại là gà đen (gà ác) và gà trắng (gà thường).
Gà đen ít thịt hơn nhưng được cho là bổ dưỡng hơn, do đó giá cũng đắt hơn.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng gà "da đen" hay "da trắng" thì khi ăn cũng không có nhiều khác biệt.
Khi ăn lần đầu, một số du khách phàn nàn rằng món này rất đắng.
Tuy vậy, khi đã ăn quen rồi thì khối người phải nghiện.

 Theo Đất Việt

Dơi - món khoái khẩu của dân nhậu miền Tây


Dân miền Tây phân biệt hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Theo lời truyền tụng của người dân miền Tây, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Vào khoảng chập tối, một nhóm vài ba người lại chuẩn bị nào dơi mồi, nào lưới dợt, giỏ đựng dơi. Đám thợ săn dơi bảo, nếu chưa có dơi mồi thì phải chọn người biết cách thổi để dẫn dụ dơi đến. Thường dùng lá mì hoặc lá cầy mỏng có độ đàn hồi, dùng hai bàn tay kẹp lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu. Người thổi tốt hay không được “thấy” rõ qua việc dơi tìm đến nhiều hay ít? Chuẩn bị xong, trời cũng vừa tối mịt, cả nhóm đi theo dọc bờ vườn, chọn nơi thuận lợi để dơi dễ sà xuống, dân trong nghề quen gọi là “bến dơi”. Dợt chụp dơi được dựng lên thì bắt đầu thổi. Việc đầu tiên là phải cố gắng bắt cho được dơi mồi. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi sẽ tìm đến, sà xuống thấp, người cầm dợt cứ việc dợt theo dơi. Đêm càng sâu dơi tìm đến càng nhiều. Vào những đêm trăng sáng việc bắt dơi rất khó nên thường rất ít người đi dợt. Khi thổi dơi ở bến này một hồi lâu, không thấy dơi sà xuống nữa, vì bến bị động, dơi sợ, thì sang bến khác, tiếp tục cho đến khi đầy giỏ mới về.

Mỗi đêm đi bắt, chiến lợi phẩm là dơi sen, còn các loại dơi khác (như dơi muỗi chẳng hạn) bắt được thì bỏ, vì thịt không ngon. Mùa bắt dơi sen rộ nhất là vào mùa trái cây chín, nhất là mùa nhãn. Lúc này, dơi rất mập và thịt rất thơm ngon. Trong các loại dơi miệt vườn Nam Bộ, dơi quạ là to nhất, thịt nhiều nhưng rất khó bắt vì chúng bay rất cao. Chúng thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng, khi những cành gòn trổ bông, để hút nhuỵ hoa. Để bắt được loại này người ta phải dùng nạng thun để bắn. Dơi có nhiều món, nhưng thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo.

Đi bắt dơi về đến nhà thì đêm đã khuya, mọi vật như đã chìm vào giấc ngủ. Trên bếp lửa, người ở nhà lui cui chuẩn bị bắc nồi lên nấu cháo, và xắt bắp chuối xiêm, để sẵn. Thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Người chế biến nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong. Thịt dơi có thể băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào, vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo nấu tiếp, nêm nếm vừa ngon thì dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng. Tiêu, ớt, chanh xắt và nước mắm chua ngọt sẵn sàng để tuỳ theo khẩu vị mà người ăn có thể thêm vào.

Đối với món cháo dơi, cách chế biến cũng bình dị như các loại cháo khác, nhưng điểm độc đáo là cháo dơi rất thơm ngọt tự nhiên, lại ăn giữa đêm khuya tĩnh lặng. Ngoài ra, dân nhậu miền Tây còn có thể thưởng thức món dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt.

Nghe cánh bợm nhậu, thịt dơi ăn vào rất mát lại bổ cho chân và thận. Theo họ, con dơi sống trong bóng đêm, tích tụ được nhiều âm khí nên huyết nó mát, lại chỉ ăn côn trùng sâu bọ, trái chín cây nên thịt rất sạch. Các món ăn được chế biến từ thịt dơi có khá nhiều, nhậu chế một kiểu, ăn thường lại kiểu khác. Con dơi lột da, bỏ ruột chặt miếng ướp muối tiêu nướng chín trên than hoa kèm chút rau thơm chấm muối tiêu chanh ăn nóng hôi hổi khiến người ta liên tưởng đến thịt gà mà không phải gà, thịt chim mà không phải chim, cảm giác về vị ngon rất lạ lùng.

Theo lời dạy bảo của… các ông bợm nhậu, thịt dơi kẹp lại nướng than tàu vừa nóng, nhắm với rượu, đậm hơn thịt gà, xương mềm hơn, nhai giập ra ngon lạ lùng, mà lại thơm, thoang thoảng cái vị chim se sẻ. Nướng được gắp nào, nhắm ngay gắp đó, điểm mấy cánh ngò và mấy tí hành hoa chấm muối, tiêu, chanh, ớt, thế là xong!Dơi còn được dân miền Tây ăn với cơm, dơi có thể làm thành nhiều thứ, tuy nhiên nhưng được hoan nghênh nhiều là hai món xào lăn và băm viên; nhưng dù là nướng chả, băm viên hay xào lăn, tất cả các thứ đó cũng không quí bằng món huyết - một “siêu phẩm” của dơi mà họ bảo rằng là còn quí hơn cả tiết dê và tiết chim se sẻ.

Dơi được giết ra thịt trắng. Những người lớn tuổi ở đây bảo rằng: món cháo thịt dơi với đậu xanh ăn vào rất mát mẻ, bổ dưỡng tăng cường sinh lực.

Người dân miền Tây chỉ thường ăn dơi quạ, vì dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết. Căng một con dơi quạ lớn ra, từ đầu cánh này sang đầu cánh kia có thể dài đến một sải tay. Thui lông đi rồi, con này to chừng con gà mái tơ.

Còn dơi sen là giống dơi mà người ta vẫn thường thấy chiều chiều bay chập chờn trên thành phố hay đồng quê bắt muỗi. Giống này nhỏ, chỉ hơn con chim sẻ một chút và có tiếng là hôi hơn quạ nhiều. Người dân ở đây bảo rằng, dù là dơi sen hay dơi quạ, một khi làm thịt mà bỏ mấy cục xạ đi rồi, thì thịt cũng thơm phưng phức, hấp dẫn đáo để. Trời nóng, ăn không được, muốn đổi món cho lạ miệng thì làm bát cháo dơi mà ăn, mát ruột mà lành. Song đã ăn dơi thì phải có rượu.

Chẳng biết thực hư thế nào, mà dân nhậu miền Tây thường kháo nhau huyết dơi quạ pha với rượu uống có thể trị được bệnh ho lao, đau phổi nặng. Tuy nhiên, việc lấy được huyết dơi cũng rất khó, tốn nhiều công sức. Dân nhậu xúi nhau muốn ăn thịt dơi thì về miền Tây. Ở Sóc Trăng có ngôi chùa của người Khơ me Nam bộ. Đây gần như là ngôi chùa Khơ me duy nhất thờ Phật trong số mấy trăm ngôi chùa nằm rải rác khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khách du lịch thường gọi đó là Chùa Dơi vì vài trăm năm nay ở chùa có đàn dơi quạ tự nhiên quần tụ sinh sống, số lượng có lúc ước tới hàng triệu con. Dơi quạ con lớn có sải cánh dài đến trên 1m, thân mình to bằng cả chú gà tơ. Cứ chập choạng tối và tờ mờ sáng là lúc chúng ràn rạt kéo bầy đi kiếm ăn.

Dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được "mệnh danh" là thịt đại bổ.

Dơi đem thui riêng hai đầu cánh nó đi, vặt lông măng cho thật sạch rồi chính tay cắt tiết ở hai đầu cánh ấy, hứng vào rượu, khoắng lên cho đều mà uống ngay mới tốt. Cầu kì hơn một chút thì lúc cắt nên bỏ đi tí huyết đầu, tí huyết đuôi, chỉ dùng cái huyết giữa

Dơi quạ chỉ xuất hiện hai lần trong một năm. Lần đầu là đúng vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào khoảng Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch): mùa chôm chôm chín. Dơi quạ bay theo từng đàn hàng chục con và chọn những cây sầu riêng cao đang nở bông trắng xóa, thơm ngát đổ xà vào cắn đài bông hút mật. Chúng bất ngờ xuất hiện vào lúc nửa khuya về sáng, bâu vào cành, ngọn sầu riêng để cắn bông Mờ sáng, đàn dơi quạ biến mất nhưng chủ vườn vẫn nhận diện được dấu vết mà chúng đã ghé qua bằng bông sầu riêng xả trắng gốc cây. Dơi quạ ngủ rất nhiều, suốt cả ngày đến nửa đêm. Dơi quạ to bằng con mèo nhưng khi chặt bỏ đôi cánh, chân và lột da chỉ còn một khối thịt đỏ hỏn nặng khoảng nửa ký, được dân nhậu chặt ra xào lăn. Nhưng món làm nên "tên tuổi" cho dơi quạ lại là nấu cháo đậu xanh. Thịt dơi được băm nhuyễn nêm nước mắm, củ hành, bột ngọt cho xào nhẹ một lượt rồi đổ vào nồi cháo nấu nhừ với đậu xanh. Đẻ át hơi hôi của dơi, khi chế biến dân nhậu thường rắc thêm một ít tiêu, hành ngò...

Theo Đất Việt